Báo cáo tổng kết tọa đàm khoa học quốc tế: “Tôn giáo trong đời sống công chúng”

Thời gian: 29-30/12/2014 (một ngày rưỡi)

Địa điểm: Trường Đại học KHXH & NV. 336 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội

Cơ quan tổ chức: Trường Đại học KHXH & NV

Cơ quan tài trợ: Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Missionswissenschaftliches Institut Missio e. V), CHLB Đức

Tổng số kinh phí: 124.700.000 VND (4.500 Euro)

Tổng số đại biểu: 50 từ các cơ quan Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KHXH VN, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, vv…trong đó có 3 đại biểu nước ngoài từ Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Fujen Đài Loan và Đại học Innsbruck, CH Áo.

photo (6)

 Lãnh đạo nhà trường và một số đại biểu tham gia Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được tổng cộng 33 báo cáo, trong đó có 30 báo cáo của các đại biểu trong nước và 03 báo cáo của các đại biểu ngoài nước.

Sau Phiên khai mạc, tiểu ban I “Tôn giáo trong đời sống công chúng: Những vấn đề lý luận chung” của Hội thảo bắt đầu với báo cáo của GS. Trần Văn Đoàn, Đại học Quốc gia Đài Loan về Thượng đế của nền nhân văn của Trung Quốc – Luận đề về Thượng đế của Lý Chấn Anh. Báo cáo làm rõ một thực tế là Thượng đế nằm trong đức tin của mỗi người và có một sự khác biệt lớn trong tâm thức tôn giáo giữa người Á đông và người phương Tây thể hiện rõ trong sự khác biệt trong cách hiểu Thượng đế. Tiếp đến là báo cáo của PGS. Nguyễn Quang Hưng gợi mở những nguyên nhân trong nước và quốc tế dẫn tới sự thức tỉnh tâm thức tôn giáo ở Việt Nam từ gần ba chục năm qua. Quan điểm này nhận được sự chia sẻ cũng như gây nhiều tranh luận từ phía các học giả. Báo cáo của nhà nghiên cứu khả kính Lê Anh Dũng (Huệ Khải) nhìn từ góc độ đạo Cao Đài là một tôn giáo đặc thù, tổng hợp nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhấn mạnh hiện đại hóa đối với tôn giáo không có nghĩa là đưa khoa học kỹ thuật vào trong tôn giáo mà là làm cho tôn giáo ngày càng thích nghi với những biến đổi của xã hội hiện đại. Báo cáo của TS. Phạm Huy Thông nói về thực trạng tín đồ tôn giáo hiện tại ở Việt Nam cho thấy có sự thay đổi lớn trong cơ cấu tín đồ Công giáo ở Việt Nam hiện nay so với những giai đoạn đầu tiên khi Công giáo mới du nhập vào Việt Nam. Bài phát biểu của PGS. Nguyễn Vũ Hảo nhấn mạnh tới ảnh hưởng của chủ nghĩa Thomas mới tới Việt Nam thông qua cộng động Ki tô hữu ở Việt Nam. Đáng lưu ý là sự bổ sung nhận thức về ảnh hưởng của chủ nghĩa Thomas mới ở Việt Nam của Trần Văn Đoàn: trước 1975 ở Sài gòn có nhóm các nhà trí thức công giáo lấy tư tưởng của chủ nghĩa Thomas mới, mở tờ báo “Sống đạo”, nhấn mạnh chủ thuyết nhân vị. Thông tin của GS. Đoàn cung cấp những thông tin về sự ảnh hưởng của các tư tưởng của chủ nghĩa Thomas mới vào Việt Nam. Chính tác động của chủ nghĩa Thomas mới tới số trí thức này làm cho một số người trong số họ theo đường lối chính trị thứ ba, đả phá Mỹ, đối thoại với Mặt trận Dân tộc miền Nam VN. Buổi chiều, tiểu ban II “Tôn giáo và Xã hội: tiếp tục nghiên cứu” với báo cáo của nhà nghiên cứu Phạm Văn Thành khảo sát trường hợp thờ Mẫu ở Phủ Tây Hồ phản ánh thực trạng sinh hoạt tôn giáo ở Trung tâm Hà Nội cho chúng ta những thông số về nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính của những người đi lễ chùa ở một cơ sở thờ tự. Nghiên cứu về sinh hoạt tôn giáo tiếp tục trong báo cáo của TS. Nguyễn Minh Ngọc phân tích mối quan hệ hữu cơ giữa niềm tin xã hội và niềm tin tôn giáo, về những nghiên cứu đo lường niềm tin tôn giáo qua một số trắc nghiệm, khảo sát cụ thể tại một số địa bàn ở Tây Nguyên. Những người cùng tôn giáo có niềm tin cộng đồng cao hơn so với niềm tin tín đồ tôn giáo này đối với tôn giáo khác. Các tín đồ Việt Nam có tỷ lệ cao trong tham dự các nghi lễ thực hành tôn giáo. Kết luận cho thấy niềm tin tôn giáo của người Việt khá sâu sắc. Niềm tin tôn giáo đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Nếu như trước kia còn nặng về giải thoát thì nay niềm tin tôn giáo hướng tới những vấn đề của thế giới bên này.

photo (5) photo (4) photo (2)

Một số hình ảnh về Hội thảo

Tiếp đến, buổi chiều Hội thảo nghe về kinh nghiệm tôn giáo trong đời sống công chúng ở một số nước qua các báo cáo của GS. Loeffler về mối quan hệ giữa các nhà nước và các tổ chức tôn giáo qua mô hình của một số nước châu Âu trong sự so sánh. Hai thái cực quan hệ tôn giáo và nhà nước, hoặc tôn giáo thuộc về nhà nước hoặc đẩy tôn giáo vào lĩnh vực tư nhân đều lộ rõ những bất cập. Sau thời trung cổ Châu Âu là nơi đi đầu phong trào thế tục với xu hướng tách biệt giữa nhà nước và các tổ chức giáo hội và nay đang đứng trước những vấn đề mới, thời kỳ hậu thế tục hóa đòi hỏi sự hợp tác giữa tôn giáo và nhà nước. Tham luận đưa ra bức tranh về quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước ở một số nước châu Âu, trong đó tập trung vào mô hình của Áo. Rõ ràng những mô hình quan hệ nhà nước và tôn giáo ở một số nước châu Âu là những kinh nghiệm quý giá đối với Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm mô hình cùng tồn tại chung giữa nhà nước và tôn giáo. Th.S. Ngô Đăng Toàn qua phân tích ảnh hưởng của tôn giáo trong phụ chìm phà Sewon ở Hàn Quốc vốn làm chấn động dư luận không chỉ Hàn Quốc mà còn nhiều nước trong khu vực, nó cũng cho thấy tôn giáo mới đang đặt ra nhiều vấn đề mà bản thân những nước tưởng như đã khá hoàn thiện trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo cũng vẫn đang phải đối diện. Tham luận của TS. Trần Thị Thúy Anh về quan hệ giữa các tôn giáo và chính sách của nhà nước đối với từng tôn giáo ở Malaysia nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Sáng 30, Tiểu ban III “Tôn giáo và Đời sống văn hóa tinh thần” mở đầu với báo cáo của PGS. TS. Trương Văn Chung phân tích quan hệ tôn giáo và văn hóa qua trường hợp Lễ hội cộng đồng Kỳ Yên của cư dân Nam Bộ. Tiếp đó là báo cáo của GS. Christine Chou về một nhà tôn giáo học, tâm lý học nổi tiếng Lewis người Anh chủ trương dung hợp giữa các khả năng duy lý và phi duy lý trong nhận thức, về vai trò của đức tin trong việc giúp người ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống qua trường hợp của bản thân ông. Tiếp đó, những phát biểu của PGS. Nguyễn Văn Sơn về báo chí Phật giáo ở Việt Nam và những đóng góp của báo chí Phật giáo đối với nền báo chí Việt Nam. Phần báo cáo và tranh luận kết thúc với tham luận của TS. Đinh Hồng Hải về Phật Di Lạc gây nhiều tranh luận về tính thế tục và tính thánh thiêng trong thờ cúng của người Việt.

photo (3)

PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại phát biểu tổng kết hội thảo

Qua các báo cáo, chúng tôi thấy nổi lên hai vấn đề sau:

Thứ nhất, về mặt lý thuyết tôn giáo trong đời sống công chúng, những chiều kích của không gian công cộng của tôn giáo không phải là một điều gì mới và vấn đề này đã được giới nghiên cứu nước ngoài quan tâm từ lâu, nhưng vẫn còn khá mới mẻ đối với giới nghiên cứu Việt Nam. Những tham luận chuyên sâu về mảng đề tài này chưa nhiều cho thấy những nghiên cứu lý thuyết về tôn giáo học ở Việt Nam còn yếu, cần được chú ý hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ hai, Hội thảo khẳng định một thực tế khác xa với những dự đoán của một số học giả phương Tây trong đó có cả các nhà mác xít cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX về tính đa chiều giữa tôn giáo với sự phát triển khoa học và công nghệ. Bất chấp sự phát triển của khoa học và công nghệ, tôn giáo tiếp tục phát huy vai trò trong xã hội hiện đại. Với trường hợp Việt Nam điều dễ nhận thấy là sự gia tăng đáng kể vai trò của tôn giáo trong mọi lĩnh vực của không gian xã hội dân sự thể hiện qua sự gia tăng hiện diện của tôn giáo trong không gian công cộng, trong các lĩnh vực của đời sống văn hóa-xã hội, trong các phương tiện truyền thông đại chúng, trên điện ảnh, báo chí internet, vv…cho thấy sự gia tăng đáng kể của tôn giáo trong đời sống xã hội Việt Nam mấy thập kỷ gần đây. Điều đó đòi hỏi các cấp chính quyền cần có sự điều chỉnh trong chính sách để khai thác các giá trị văn hóa và đạo đức-xã hội của các tôn giáo phục vụ công nghiệp hóa đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Với 12 báo cáo được đọc và 47 ý kiến tham gia tranh luận tạo sự cảm hứng sâu sắc của cuộc Hội thảo. Thực sự, đây là một Hội thảo có chất lượng chuyên môn cao, là một nỗ lực thúc đẩy công tác đào tạo và nghiên cứu tôn giáo học ở Trường Đại học KHXH & NV.

Trong một ngày rưỡi Hội thảo, Ban tổ chức không phát hiện thấy có bất cứ biểu hiện bất thường nào.

photo (1)

Trên đây là báo cáo kết quả Hội thảo. Qua đây, chúng tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Ban Giám đốc, các Ban Quan hệ Quốc tế, Ban Khoa học và Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan hữu quan đã tạo điều kiện để Hội thảo thành công tốt đẹp.

T/M BAN TỔ CHỨC

  Người báo cáo                                                       

 PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng