Báo cáo tổng kết toạ đàm Tôn giáo và Văn hóa
Báo cáo tổng kết toạ đàm khoa học quốc tế “Tôn giáo và Văn hóa: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức ngày 25-26/10/2013.
Có lẽ, về tôn giáo, đại bộ phận người Việt Nam chúng ta đều cảm thấy như có một nghịch lý trong nhận thức. Một mặt, ta cảm thấy tôn giáo là một cái gì đó rất gần gũi trong đời sống tinh thần của mình. Gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên. Rồi, ngày 23 tháng Chạp, sắp hết năm cũ, các gia đình cúng Ông Táo, để Ngài lên bẩm Ngọc Hoàng về những việc ở trần giới trong năm qua. Từ chục năm gần đây, chương trình hài Táo quân gặp nhau cuối năm của VTV 3 đã trở thành quen thuộc với nhiều người. Ở khắp nơi, từ những phố phường đông đúc tới những miền quê hẻo lánh đều có bóng dáng những ngôi chùa, những mái đình, vv… Tôn giáo hiện diện ở khắp nơi. Dân gian vẫn nói “Thần cây đa, ma cây gạo”. Từ lâu, cây đa, mái đình, ngôi chùa đã đi vào trong ca dao của người Việt.
Nói vậy, ta thấy tôn giáo gần gũi với mỗi chúng ta tựa như cơm ăn nước uống hàng ngày. Những sự kiện quan trọng trong đời người, từ cưới xin cho tới làm nhà, ma chay, vv… đều có sự hiện diện của tôn giáo. Gần đây, ta thấy ở nhiều restaurant, công sở, văn phòng có tượng Phật, bàn thờ, ảnh Chúa, vv…
Nhưng mặt khác, mỗi chúng ta cũng nên tự hỏi mình: ta đi chùa, nhưng đã hiểu biết về giáo lý nhà Phật chưa? Rồi Hòa thượng, thượng tọa là những ai? Linh mục, mục sư, sư thầy là những ai? Tôn giáo và tín ngưỡng giống và khác nhau như thế nào? Xa hơn nữa, giữa Công giáo và đạo Tin Lành giống và khác nhau như thế nào về giáo lý, nghi lễ thờ cúng, vv… những câu hỏi này không phải là cao siêu, xa lạ với cuộc sống hàng ngày của mỗi người, nhưng không phải người Việt Nam nào cũng có thể dễ dàng trả lời. Điều đó cho thấy có sự thiếu hụt trong kiến thức của đa phần người Việt Nam chúng ta về tôn giáo.
Đó là những lý do để như đã thành thông lệ, hàng năm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Missionswissenschaftliches Institut Missio e. V), CHLB Đức, tổ chức Tọa đàm khoa học về tôn giáo, những vấn đề đời sống tôn giáo trong xã hội hiện đại, mối quan hệ giữa tôn giáo với các lĩnh vực xã hội khác nhằm nâng cao nhận thức cho tất cả chúng ta về những vấn đề tôn giáo, thúc đẩy nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.
Hội thảo lần này, Ban tổ chức chúng tôi nhận được tất cả 34 báo cáo, chia làm 5 tiểu ban. Sau phần Khai mạc và báo cáo đề dẫn của Giáo sư Đỗ Quang Hưng, buổi sáng bắt đầu phiên thứ nhất về những lý luận chung trong quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa được mở đầu với tham luận “Tôn giáo và Văn hóa: quan niệm của Christopher Dawson” của PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh phân tích của Dawson về những điểm giao nhau giữa tôn giáo và văn hóa, rằng tôn giáo là nền tảng tinh thần của văn hóa. Tiếp đó, tham luận của GS. Lê Xuân Hy “Những chiều kích tâm lý trong quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa” mổ xẻ tính đa dạng của mối quan hệ này, làm rõ một thực tế rằng ranh giới giữa tôn giáo và văn hóa thay đổi nhiều so với truyền thống. Phiên thứ nhất kết thúc với tham luận của PGS. TS. Nguyễn Vũ Hảo về quan niệm tôn giáo của L. Wittgenstein hậu kỳ cổ vũ cho sự bình đẳng và khoan dung giữa các tôn giáo và văn hóa. Không nên lấy tiêu chí của tôn giáo này, văn hóa này để đánh giá, phán xét tôn giáo khác, văn hóa khác, cổ vũ cho chủ nghĩa tương đối trong quan niệm về tôn giáo và văn hóa cũng gây sự chú ý của nhiều người. Với ba tham luận và 8 câu hỏi được nêu và tranh luận, phiên thứ nhất khởi mào cho một hội thảo nhiều tranh luận và đầy tính hấp dẫn.

Phiên thứ hai, tiếp tục sự sôi nổi của đầu buổi sáng với ba báo cáo được đọc. Đáng chú ý là tham luận “Is Chinese Humanism Atheistic?” của GS. Trần Văn Đoàn phân tích những khác biệt của văn hóa Trung Hoa so với phương Tây. Chủ nghĩa vô thần của người châu Âu cũng có cách hiểu khác với người Trung Hoa. Ngay sau đó là những câu hỏi xoay quanh những điểm khác biệt trong tư duy của người Việt Nam so với Trung Quốc. Tham luận tiếp theo của TS. Pascal Bordeaux về sự truyền bá đạo Tin Lành thời kỳ thuộc địa kết thúc phần tranh luận buổi sáng.
Buổi chiều, không khí Tọa đàm sôi động với nhiều câu hỏi xung quanh tham luận của GS. Markuly đem lại nhiều thông tin khá mới mẻ về những nghiên cứu mối quan hệ giữa cấu trúc thần kinh và bộ não người với tôn giáo, đưa đến nhận định về khả năng trường tồn của tôn giáo cho dù trải qua những thăng trầm cũng như tôn giáo này có thể mất đi, bị thay thế bởi tôn giáo khác. Người nào có thiên hướng tư duy phân tích thì càng không tin vào tôn giáo. Không có chuyện tôn giáo biến mất. Tiếp sau báo cáo của GS. Valentine Zuber đặt vấn đề thần thánh hóa nhân quyền ở Pháp thúc đẩy hay kìm hãm nền dân chủ, là báo cáo của TS. Phạm Huy Thông nêu bật vai trò của sự truyền bá Công giáo đối với sự phát triển tư duy logic, duy lý ở Việt Nam.
Phiên cuối cùng của ngày thứ nhất đánh dấu bởi các báo cáo của NCS. Tăng Xuân Dẫn về kiến trúc Phật giáo. Tranh luận sôi nổi diễn ra xung quanh những nghiên cứu của nhóm tác giả Triệu Thế Việt và Nguyễn Thu Thủy về tượng Chùa Thầy. Dựa trên phương pháp nghiên cứu trường hợp (case studies), nhóm tác giả đưa ra một số nhận định về mối liên hệ giữa kích cỡ tượng Phật với triết lý nhà Phật. Tuy nhiên, nhận định này bị một số nhà nghiên cứu coi là chưa thật thuyết phục. Những nhận định của nhóm nghiên cứu có thể đúng với những tượng Phật ở Chùa Thầy, nhưng để khái quát thành những đặc điểm của Phật giáo thì cần có những nghiên cứu tiếp theo.
Ngày hôm sau, sau khi dành thời gian cho báo cáo của TS. Michael Dickhardt về đời sống tôn giáo khu vực phố cổ Hà Nội, Tọa đàm dành một phiên chuyên về những tác động của sự truyền bá đạo Tin Lành đối với văn hóa người Hmong với báo cáo của GS. Trần Trí Dõi về vấn đề xóa nạn mù chữ qua so sánh một bản người Hmong theo đạo Tin Lành và bản người Hmong vẫn giữ tín ngưỡng truyền thống.
Đặc biệt là phần trình chiếu của PGS.TS. Nguyễn Văn Chính về cải đạo, sự thích nghi văn hóa và bản sắc tộc người: tìm hiểu ảnh hưởng của đạo Tin Lành lên văn hóa của người Hmong Lào Cai.