Trong giới học thuật, có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm Công giáo du nhập vào đất nước này. Theo tấm bia “Đại Tần Cảnh giáo lưu hành Trung Quốc bi”, được tìm thấy năm 1625 ở Tây An, đa số học giả nhất trí rằng, lần đầu tiên Ki tô giáo du nhập vào Trung Quốc là dưới triều Đường vào thế kỷ thứ VII. Nhưng Cảnh giáo đó chỉ là một phái của Giáo hội Ki tô giáo phương Đông chứ ko phải là Giáo hội Công giáo hiện nay mà cuốn Giáo hội Công giáo Trung Quốc này đề cập. Mãi tới năm 1293, dưới triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc, với việc Giáo hoàng cử một nhà truyền giáo người Italia là John Monte de Corvino sang Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên Giáo hội Công giáo Hoàn vũ phái cử chính thức giáo sỹ truyền giáo sang mảnh đất Trung Hoa truyền thống.
Với sự hiểu biết sâu sắc về Công giáo Trung Quốc, thông qua những cứ liệu văn bản Hán ngữ và nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Latinh… tác giả Yến Khải Giai (Trung Quốc) đã tái hiện lại bức tranh tổng thể về Công giáo ở Trung Quốc từ khi du nhập cho đến Giáo hội Tam tự sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho tới nay.
Đọc Giáo hội Công giáo Trung Quốc độc giả sẽ nhận thấy được những điều đặc biệt của Công giáo ở Trung Quốc như, giai đoạn đầu truyền giáo, để cho người Trung Hoa dễ chấp nhận, giáo sỹ truyền bá Phúc âm ở Trung Quốc tên là Matteo Ricci (giáo sỹ Dòng Tên, người Italia) đã cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, và tự xưng mình là “Tây tăng”, rồi trước nhà thờ Công giáo theo kiểu Âu lại treo bức hoành phi “Tiên Hoa tự” (chùa Tiên Hoa). Sau đó, khi nhận thấy Nho giáo nổi trội hơn, là hệ tư tưởng thống trị xã hội Trung Hoa, chính giáo sỹ này đã nghiên cứu kinh điển Nho gia, thông hiểu Tứ thư, Ngũ kinh và tự xưng là “Tây Nho”, thiết lập quan hệ thân hữu với quan lại giữ hàm phẩm cao trong triều đình phong kiến Trung Quốc. Chính vì thế, các giáo sỹ phương Tây đã chiếm được thiện cảm từ giới thượng lưu, vua quan phong kiến Trung Hoa. Cũng từ đó, sự nghiệp truyền bá Phúc âm được thuận lợi.
Giáo hội Công giáo Trung Quốc cũng mang đến cho độc giả những thông tin quan trọng trong bối cảnh xây dựng Giáo hội trong lòng đất nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là một Giáo hội Công giáo Tam tự (Độc lập, Tự chủ, Tự biện). Hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Công giáo Trung Quốc đã nhấn mạnh: Nguyên tắc Tam tự là tinh thần Giáo hội chúng ta; Giáo sỹ và tín hữu Trung Quốc là nhân chứng chúa Giê-su; Sự hiểu biết mới thay vì vâng phục mù quáng… Sự vâng phục Giáo hoàng (chỉ là) về học thuyết và giáo lý. Bằng cách đó, Giáo hội có thể tự quản, tự dưỡng, tự truyền. Từ đó, Giáo hội Công giáo Trung Quốc đã đi theo con đường vừa yêu Giáo hội, vừa yêu đất nước. Giáo hội phát triển tốt trong đất nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa. Hơn nửa thế kỷ làm mục vụ, từ khi ra đời nước Trung Quốc mới tới nay, đã chứng minh Giáo hội có Chúa Thánh Linh không những có thể tồn tại trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn có thể phát triển và gia tăng một cách lành mạnh. Tuy vậy, Giáo hội Công giáo Trung Quốc cũng khẳng định, Giáo hội Công giáo Trung Quốc giống bất kỳ một Giáo hội nào khác trên thế giới, chỉ có một tín ngưỡng, một bí tích rửa tội. Đó là Giáo hội Công giáo duy nhất, thánh thiện và tông truyền… Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc là một bộ phận của Giáo hội Hoàn vũ và Giáo hội này mong muốn chia sẻ tình yêu của Chúa Giê-su với tất cả các giáo hội khác.
Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của giới học giả, nhà nghiên cứu, tín hữu Công giáo và cả những người làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, dịch giả Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã dành thời gian, tâm huyết để chuyển ngữ tác phẩm này từ nguyên bản tiếng Anh (có đối chiếu bản tiếng Trung) sang Việt ngữ. Với trình độ ngoại ngữ sâu sắc, cùng khả năng diễn giải Việt ngữ, và kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đối ngoại tôn giáo, dịch giả Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã khéo léo đưa người đọc tiếp cận những kiến thức chuyên ngành tôn giáo một cách dễ dàng, giản dị. Với khả năng biên dịch sinh động và thuần Việt, người đọc không có cảm giác đang tiếp cận một văn bản chuyển ngữ.
Với tất cả những giá trị trong nội tại tác phẩm cùng tài năng và tâm huyết của người dịch, có thể cũng vẫn là khiêm tốn khi nói Giáo hội Công giáo Trung Quốc là một cuốn sách có giá trị không chỉ với độc giả là các nghà nghiên cứu, quản lý tôn giáo mà còn rất hữu ích cho các tín hữu Công giáo cũng như những người quan tâm, muốn tìm hiểu về Trung Quốc, chính sách tôn giáo của Trung Quốc và Giáo hội Công giáo Trung Quốc.
Sách do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành. Xin chân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Yên Sơn
Nguồn: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/244/0/3127/Giao_hoi_Cong_giao_Trung_Quoc