HỘI THẢO QUỐC TẾ 03/12/2021: TÔN GIÁO – NGUỒN LỰC VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI: ỨNG XỬ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Cách đây hai phần ba thế kỷ, L. Cadiere, nhà Việt Nam học nổi tiếng, từng quả quyết: “dân tộc An Nam là một dân tộc sâu đậm tôn giáo”. Quả đúng vậy, tôn giáo hiện diện trên dải đất Giao Chỉ từ thời tiền sử. Những hình thức tôn giáo nguyên thủy như bái vật giáo (animism), shaman giáo (shamanism) là nhu cầu tâm linh, nền tảng tinh thần của người Việt cổ. Tiếp đó, Khổng giáo, Đạo giáo, Phật giáo truyền bá vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu sau công nguyên, trong thời kỳ Bắc thuộc. Điều thú vị là người Việt tuy dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng đều liên tiếp nổi dậy, kháng chiến chống lại ách đô hộ của ngoại bang, nhưng lại “không từ chối” những tài sản văn hóa và tôn giáo tinh túy của nhân loại mà những kẻ ngoại bang mang tới. Ngược lại, từ chỗ là những tôn giáo ngoại lai có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, qua thời gian cả Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo dần dần thay đổi diện mạo để thích nghi với vùng đất mới, khác biệt không nhỏ so với bản thân Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo ở chính Trung Quốc và Ấn Độ, trở thành tài sản tinh thần của người Việt, góp phần đáng kể làm nên một dân tộc Việt Nam văn hiến, nói như lời của Nguyễn Trãi.
Không nghi ngờ gì, chính Phật học thời Lý và thời Trần, và Nho học thời Lê và thời Nguyễn đã làm nên một Việt Nam trở thành một dân tộc có nền văn hiến lâu đời đó. Khổng giáo, Phật giáo và tôn giáo bản địa là nền tảng tinh thần bao thế kỷ của văn hóa truyền thống. Sau này khi Kitô giáo và các trào lưu văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam từ thời cận đại, nhất là từ khi Việt nam trở thành thuộc địa của Pháp, tạo nên một diện mạo mới, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa quốc gia này. Dầu vậy, Kitô giáo chỉ có thể bổ trợ thêm, bù đắp những khoảng trống trước những thách thức lịch sử mới, chứ không thể thay thế các nền tảng tinh thần truyền thống đó được.
Nhìn rộng ra, phần lớn các công trình kỳ vĩ cả về vật chất và tinh thần của nhân loại trước năm 1500, thậm chí trước năm 1800 đều cách này hay cách khác liên quan tới tôn giáo. Từ đôi thế kỷ này, sự bùng nổ phát triển của khoa học nhất là ở phương Tây tiếp thêm nguồn lực tôn giáo thì tôn giáo vẫn có một vị trí trang trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân loại. Nói theo Hegel, “không có sự say mê thì không có công trình kỳ vĩ nào của nhân loại được tạo ra cả”. Tôn giáo chính là niềm cảm hứng, tạo ra sự hứng khởi đó. Nguồn lực của tôn giáo trên thế giới khổng lồ như vậy, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vấn đề ở chỗ chúng ta có biết tận dụng, khai thác nguồn lực khổng lồ đó cho sự phát triển xã hội hay không? Việc tận dụng, khai thác nguồn lực đó cần những cơ chế nào?
Đây chính là lý do Trường Đại học KHXH và NV tổ chức Hội thảo quốc tế. “Tôn giáo như một nguồn lực văn hóa và xã hội: ứng xử của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam” hôm nay. Đây là một hoạt động khoa học tiếp nối một loạt các Hội thảo quốc tế thường niên khởi đầu từ năm 2009 do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại và Khoa Triết học tổ chức.
Tham dự Hội thảo này có tới 40 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu từ khắp mọi miền của đất nước, cũng như của các đồng nghiệp quốc tế, trong đó có nhiều báo cáo hay, có chất lượng khoa học cao, là kết quả nghiên cứu của các học giả sau nhiều năm tháng về mảng đề tài này. Ngay sau phiên khai mạc, Hội thảo sẽ chia làm 3 tiểu ban, cụ thể: Tiểu ban I “Tôn giáo – nguồn lực văn hóa và xã hội: những vấn đề chung và ứng xử của một số quốc gia”. Đây cũng là tiểu ban có số lượng lớn nhất, cụ thể là 15 báo cáo. Tiểu ban II “Tôn giáo – nguồn lực văn hóa và xã hội: trường hợp Phật giáo và các tôn giáo khác”, gồm 14 báo cáo. Tiểu ban III “Tôn giáo – nguồn lực văn hóa và xã hội: Trường hợp Ki tô giáo và các tôn giáo khác”, gồm 10 báo cáo. Mỗi tiểu ban gồm có 2 phiên, được điều hành trong cả ngày hôm nay. Một trong những vấn đề chuyên môn mà Hội thảo cần làm rõ: xét từ góc độ văn hóa và xã hội, tôn giáo có những nguồn lực gì, cho sự phát triển xã hội nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Để khai thác các nguồn lực đó thì chúng ta cần có những cơ chế nào, những hành lang pháp lý cũng như những trở ngại gì cần được tháo gỡ.
Tham dự Hội thảo này có những học giả từ Đài Loan, từ Pháp và một số quốc gia khác tham dự, trong đó phải kể tới Giáo sư Trần Văn Đoàn, Đại học Quốc gia Đài Loan, người đọc báo cáo Dẫn luận cho Hội thảo này ngay sau đây. Giáo sư là đã góp phần to lớn trong việc mở ra các mối quan hệ với thế giới phương Tây của không chỉ khoa Triết học Trường chúng ta, mà nói rộng ra, cả giới triết học Việt Nam vốn gặp nhiều khó khăn trong những năm 1990 sau khi hệ thống XHCN ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu sụp đổ. Không những vậy, Giáo sư còn giúp cho việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại, sát cánh với hầu hết các hoạt động khoa học của Trung tâm từ những ngày đầu thành lập năm 2007. Đáng tiếc là trong điều kiện hiện tại, Giáo sư không thể về thăm quê hương, đất nước, đành phải tham gia Hội thảo trực tuyến. Không những vậy, nhiều bạn hữu quốc tế khác từ các nước Đức, Áo, Slovakia, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Đài Loan,vv… vốn tích cực tham gia các Hội thảo trước đây của nhà trường về tôn giáo học, nhưng nay vì điều kiện bất khả kháng đã không thể có mặt tại Hội trường này. Đó là điều vô cùng đáng tiếc. Hy vọng từ sang năm, khi nhân loại đẩy lui được đại dịch, chúng ta lại có thể chào đón những đồng nghiệp, những người bạn cũ.
Bên cạnh đó là các học giả ngoài Hà Nội. Chỉ tiếc rằng trong điều kiện nạn dịch còn diễn biến phức tạp ở Việt Nam và nhiều nước, nên các quý vị không có điều kiện trực tiếp tham dự tại đây. Đây quả thực là một sự thiệt thòi mà trong hoàn cảnh hiện tại chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Dầu vậy, với công nghệ số hiện tại, quý vị vẫn có thể tham dự trực tuyến, phát biểu, đóng góp những ý kiến, tranh luận cho sự thành công của Hội thảo này.
Nhà trường xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Missionswissenschaftliches Institut Missio e. V), đơn vị đối tác tin cậy của nhà trường từ nhiều năm qua đã tài trợ học bổng cho việc đào tạo nguồn nhân lực về tôn giáo học cũng như cho các hoạt động thường niên của trường liên quan tới lĩnh vực tôn giáo. Giá trị của Hội thảo này không phải thuần túy về chuyên môn khoa học, mà còn là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như các tổ chức tôn giáo cùng ngồi lại trao đổi, bàn luận cùng với giới nghiên cứu về những vấn đề đời sống tôn giáo ở Việt Nam và khu vực. Tại hội thảo này, trên cơ sở những luận chứng khoa học, phân tích những nhân tố khách quan, chủ quan về nguồn lực tôn giáo trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, dựa trên những kinh nghiệm của một số nước, các nhà nghiên cứu đề xuất những giải pháp, kiến nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ những rào cản, để chúng ta có thể tận dụng, khai thác nguồn lực tôn giáo cho hiệu quả phục vụ cho sự phát triển bền vững hiện nay.
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng mọi vấn đề được giải quyết rốt ráo trong phạm vi một cuộc Hội thảo. Nhưng dầu thế nào, những kết quả mà Hội thảo mang lại cũng gợi mở nhiều vấn đề chuyên môn để chúng ta tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới cũng như tìm ra các giải pháp, tháo gỡ những trở ngại, rào cản mà vì nhiều lý do khách quan và chủ quan chưa cho phép chúng ta tận dụng, khai thác được nhiều nguồn lực tôn giáo. Hơn nữa, Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, chính sách cũng như các giới chức tôn giáo cùng bàn luận với giới khoa học, trao đổi kinh nghiệm, giúp cho việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tế, thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Một vài Hình ảnh từ Hội thảo
PGS. TS. Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV) phát biểu Chào mừng Hội thảo
Hòa thượng Thích Viên Thanh (Trụ trì Thiền viện Vạn Hạnh,
Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng) phát biểu
Linh mục Trần Xuân Mạnh (Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo) phát biểu
GS. TS. Trần Văn Đoàn (Đại học Quốc gia Đài Loan) đọc Báo cáo đề dẫn và chia sẻ
qua nền tảng Zoom
Chủ tọa gồm GS. TS. Đỗ Quang Hưng, PGS. TS. Lại Quốc Khánh, PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng
PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo phát biểu
Hình ảnh các học giả tham dự Hội thảo trực tiếp và trực tuyến
Các học giả chụp ảnh lưu niệm kết thúc Hội thảo
—Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại,USSH-VNU