Một số vấn đề triết học tôn giáo hiện nay

Toạ đàm khoa học với chủ đề “Một số vấn đề về triết học tôn giáo hiện nay” do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại thuộc Trường ĐHKHXH&NV tổ chức ngày 29/12/2010.

Tham dự hội thảo có TS. Phạm Huy Thông (Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành, các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học khác nhau.

Phát biểu khai mạc PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh: Cuộc toạ đàm lần này hướng tới chủ đề quan hệ giữa triết học và tôn giáo vốn tồn tại nhiều thế kỉ trong tư tưởng của nhân loại. Triết học về tôn giáo là một vấn đề lớn, sâu sắc về học thuật. Trên cơ sở những kết quả mà cuộc toạ đàm đạt được các nhà khoa học, nhà giáo có thể suy nghĩ về khả năng ứng dụng một số kết quả, thành tựu nghiên cứu mới vào việc giảng dạy và nghiên cứu triết học tôn giáo cũng như phát triển ngành tôn giáo học nói chung.

Báo cáo đề dẫn của GS.TS Đỗ Quang Hưng nêu rõ 4 vấn đề chính được trao đổi thảo luận tại toạ đàm đó là:

– Mối quan hệ giữa tôn giáo và triết học
– Triết học trong tôn giáo
– Triết học tôn giáo những vấn đề cụ thể
– Những dự báo.

Hơn 20 báo cáo trình bày tại toạ đàm tập trung chủ yếu thảo luận vào 4 vấn đề trên: “Một số quan niệm triết học và thần học của Joseph Ratzinger” của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng (ĐHQGHN), “Triết học và Tôn giáo” của PGS.TS. Phạm Thái Việt (Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao) , “Đối tượng và vai trò của triết học tôn giáo đối với sự phát triển của xã hội” của PGS.TS Dương Văn Thịnh (Khoa Triết học – Trường ĐHKHXH&NV)…

Những biểu hiện cụ thể của Triết học và Tôn giáo cũng được các tác giả đề cập rất chi tiết. Một trong những vấn đề được các nhà khoa học quan tâm trao đổi nhiều nhất đó chính là việc dạy và học triết học tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Tiêu biểu như tham luận “Nhìn qua việc dạy triết học tôn giáo ở bậc trung học và đại học Việt Nam” của nhà báo Vương Đình Chữ (Tập san Công giáo và Dân tộc, TPHCM) đã làm rõ cả những ưu điểm cũng như những hạn chế của việc dạy và học triết học tôn giáo hiện nay. Đặc biệt nhà báo Vương Đình Chữ còn nêu lên những góp ý, đề xuất quan trọng. Một số những báo cáo khác cũng tập trung vào việc dạy và học về triết học tôn giáo hiện nay: “Đôi điều về nghiên cứu và giảng dạy Triết học Phật giáo ở Việt Nam hiện nay” của PGS.TS Hoàng Thị Thơ (Viện KHXHVN) hay “Nhân sinh quan Phật giáo đối với vấn đề giáo dục cá nhân” của TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường ĐHKHXH&NV)…

Toạ đàm khoa học “Một số vấn đề triết học tôn giáo hiện nay” là một trong những hoạt động khoa học cuối cùng trong năm 2010 của Trường ĐHKHXH&NV trước khi bước sang năm mới 2011.