PGS. TS Nguyễn Quang Hưng: Các Nhà Tư Tưởng Kitô giáo ở Việt Nam và Khu vực trong Bối cảnh Xã hội Á đông

CÁC NHÀ TƯ TƯỞNG KITÔ GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ KHU VỰC TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI Á ĐÔNG

                                                                                  PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng                                       

                                                       Đại học Quốc gia Hà Nội

Kitô giáo được truyền bá vào Việt Nam và nhiều nước trong khu vực cách đây nửa thiên niên kỷ, tuy mốc thời gian cụ thể từng nước có khác nhau. Năm thế kỷ là quãng thời gian không quá dài đối với lịch sử của một tôn giáo nếu ta căn cứ vào bề dày của các tôn giáo truyền thống ở khu vực này như Khổng giáo hay Phật giáo, nhưng cũng đủ để thẩm định những đóng góp của tôn giáo này đối với văn hóa của các dân tộc trong khu vực.

Với Việt Nam, việc Ki tô giáo truyền bá đã mang đến một luồng gió mới không chỉ làm thay đổi đáng kể đời sống tôn giáo mà cả nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, từ văn hóa tới đạo đức, tinh thần của người dân nơi đây. Ấn tượng đầu tiên mà dân bản xứ ngưỡng mộ là các thừa sai châu Âu đã mang tới cách chữa bệnh mới khác với cách thức y học cổ truyền. Là những người uyên bác với kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực, họ đồng thời vừa là người truyền giáo, vừa là một bác sĩ, vừa là một nhà khoa học vậy. Không nghi ngờ gì chính các thừa sai là những người đặt nền móng cho sự phát triển nền Tây y ở Việt Nam. Đáng kể phải nói tới điều mà bất cứ người nào cũng có thể cảm nhận là việc tạo ra chữ quốc ngữ, thứ chữ viết mà 90 triệu người dân đang sử dụng hàng ngày. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng thứ chữ viết này tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta giao lưu và hợp tác quốc tế. Hãy thử tưởng tượng nếu như không có cái chữ viết này, thì hiện nay người Việt có thể vẫn sử dụng song song hai ký tự chữ Hán và chữ Nôm, và như vậy gặp rất nhiều khó khăn trong các cải cách giáo dục và văn hóa. Đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Việc tạo ra chữ quốc ngữ cũng vô hình chung làm gián đoạn văn hóa Việt Nam tiền thuộc địa và từ thời thuộc địa đến nay. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó khi giờ đây phải đọc các tác phẩm của ông cha mình mà phần lớn phải thông qua các bản dịch. Về điều này, chúng tôi cũng muốn lắng nghe ý kiến của các học giả đến từ Hàn Quốc và Đài Loan tham dự Hội thảo này.

Không chỉ có vậy, ngay từ những buổi đầu, việc du nhập tôn giáo mới này đã thúc đẩy sự phát triển thương mại giữa Việt Nam và phương Tây, điều quan trọng hơn là mở đầu giao lưu văn hóa và tư tưởng Đông-Tây, thúc đẩy sự du nhập nhiều giá trị văn hóa và tư tưởng phương Tây vào Việt Nam. Luồng gió mới mà các nhà trí thức Công giáo đem lại đó là đóng góp đáng kể cho trào lưu tư tưởng cải cách nửa cuối thế kỷ XIX. Công giáo góp phần đáng kể trong việc tạo ra tầng lớp trí thức mới trong xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của Tây học. Nhiều nhà trí thức Việt Nam thời thuộc địa là những tiền thân của một số ngành khoa học ở Việt Nam. Sự du nhập Ki tô giáo làm thay đổi bản đồ tôn giáo ở Việt Nam. Trong khi các tôn giáo truyền thống tuy có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, nhưng chủ yếu tập trung ở các vùng đồng bằng, thì ánh sáng Phúc âm từ thời thuộc địa đã được loan tới các vùng núi và cao nguyên, vùng đồng bằng các dân tộc thiểu số và tới nay có thể nói đã hiện diện ở mọi vùng miền, kể cả những vùng xa xôi và hẻo lánh nhất của đất nước này.

Nhìn ra các nước trong khu vực ta cũng thấy bức tranh tương tự. Ngoại trừ Philippin, nơi việc gieo trồng ánh sáng Phúc âm hầu như không gặp trở ngại nào từ phía cộng đồng dân bản xứ với kết quả làm cho Philippin về mặt văn hóa khác biệt nhiều với các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á khác, ở những nước còn lại, văn hóa Ki tô giáo trở thành một bộ phận hữu cơ của hầu hết các quốc gia này từ thời thuộc địa. Điều mà không ai có thể phủ nhận được rằng văn hóa Kitô giáo trải qua nhiều thăng trầm, nay đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Ngày nay, khi nói tới văn hóa Việt Nam không thể không nói tới văn hóa Ki tô giáo như một bộ phận hữu cơ. Tương tự như vậy đối với văn hóa của hầu hết các nước trong khu vực. Không chỉ các quốc gia Khổng giáo và Phật giáo, mà cả những quốc gia Islam như Indonesia, Malaysia,… thì nay cộng đồng Ki tô hữu cũng trở thành một bộ phận trân trọng trong xã hội các nước này. Islam và Kitô giáo ở những nước này khác với ở chính quốc, chấp nhận cùng sống chung trong khung cảnh văn hóa Đông Á và Đông Nam Á.

Để có được những đóng góp to lớn của Ki tô giáo đối với văn hóa các nước trong khu vực trước hết chúng ta phải kể tới đóng góp vô cùng to lớn của những con người, những nhân vật tiêu biểu trong tầng lớp trí thức Ki tô giáo. Thửa đầu là những thừa sai châu Âu, từ Fransesco de Pina, Alexandre de Rhodes tới L. Cadiere, mỗi người một lĩnh vực đều để lại những dấu ấn trong sự phát triển xã hội và văn hóa Việt Nam. Dân tộc Việt Nam không thể quên những người châu Âu đã cống hiến cả cuộc đời mình vì sự phát triển văn hóa xứ sở này như L. Cadiere (1869-1955), người được coi là một trong những cha đẻ ngành dân tộc học và tôn giáo học ở Việt Nam, Alexander Yersin (1863-1943), bác sĩ Y khoa, nhà vi khuẩn học,… Ở tầm khu vực phải kể tới Francis Xavier (1506-1552), Matteo Ricci (1552-1610) và nhiều tên tuổi khác có công lớn trong việc mang ánh sáng Phúc âm cũng như đóng góp đáng kể về phương diện văn hóa của các nước trong khu vực. Càng về sau, vai trò của các nhà trí thức Ki tô giáo bản địa càng gia tăng, như ở Việt Nam phải kể tới tên tuổi của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đóng vai trò trụ cột đối với trào lưu tư tưởng cải cách nửa sau thế kỷ XIX, Paulus Huỳnh Tịnh Của, người khởi đầu ngành báo chí ở Việt Nam, Petrus Trương Vĩnh Ký, nhà khoa học lớn, vị sứ giả giao lưu văn hóa Việt Nam và phương Tây, Nguyễn Văn Vĩnh, người có công lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ, vv… Thêm vào đó cũng phải kể tới các nhà trí thức Tin Lành, tuy được du nhập vào Việt Nam muộn hơn, chiếm một tỷ lệ dân số khiêm tốn hơn nhiều so với người anh em Công giáo, nhưng không vì thế mà không có những đóng góp đáng kể đối với văn hóa Việt Nam hiện đại. Tất cả họ có những cống hiến to lớn trong việc tạo ra tầng lớp trí thức mới trong xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây bên cạnh tầng lớp Nho học truyền thống.

Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh chính trị phức tạp của khu vực, việc đánh giá các nhà tư tưởng, trí thức Ki tô giáo cũng có những thăng trầm. Điều này chúng ta thấy rõ nhất ở một số nước khi những người cộng sản đóng vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều nhà tư tưởng, dù là người Ki tô giáo hay ngoài Ki tô giáo cũng đều bị nhìn nhận, đánh giá dưới lăng kính của chính quyền bản xứ được thiết lập sau thời thuộc địa. Như ở Việt Nam, có giai đoạn, trong bối cảnh đất nước trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài, một số nhà tư tưởng, trí thức hầu như bị lãng quên, thậm chí bị kết án. Tình trạng như vậy có ở Trung Quốc. Nếu nhìn rộng ra khu vực và toàn thế giới ta cũng thấy có tình trạng tương tự ở nhiều nước mà Việt Nam không phải là ngoại lệ bởi nó gắn liền với việc đánh giá về vai trò của chủ nghĩa thực dân đối với lịch sử nhiều quốc gia dân tộc. Riêng đối với các nhà tư tưởng, trí thức Ki tô giáo thì lại còn phải chịu tác động thêm bội phần của mối quan hệ Kitô giáo – Cộng sản trên quy mô toàn thế giới trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Trong khi đó thì ở các nước còn lại như Hàn Quốc, Philippin, Đài Loan và nhiều nước khác trong khu vực, vai trò của các nhà tư tưởng/trí thức Công giáo và Tin Lành vẫn tiếp tục được phát huy, không bị gián đoạn.

Không có gì công minh bằng lịch sử. Thời gian  đã làm cho một số những uẩn khúc, bi kịch trong quá khứ rồi cũng phải quay về với lẽ phải của bánh xe lịch sử. Từ gần ba chục năm gần đây, gắn liền với công cuộc Đổi mới, công lao, đóng góp của họ dần dần được xã hội nhìn nhận lại. Cả một số những nhân vật từng có thời gây tranh cãi, nay cũng đã và đang được thừa nhận lại.

Hội thảo này là dịp để chúng ta trên cơ sở phân tích một cách khách quan và khoa học các giá trị văn hóa và tư tưởng của những nhân vật tiêu biểu Công giáo và Tin Lành đối với văn hóa của Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực, từ đó có những khuyến cáo phát huy hơn nữa vai trò của các trí thức Kitô giáo trong phát triển văn hóa và xã hội hiện tại. Ôn cố tri tân. Đông Á và Đông Nam Á cùng với việc thành lập Cộng đồng ASEAN, khu vực này vốn đang được đánh giá là một trong những khu vực phát triển sôi động nhất với hàng loạt những con rồng cả trong hiện tại và tiềm năng, càng không có lý do gì để chúng ta không tận dụng, phát huy mọi nguồn lực xã hội, trong đó đáng kể phải nói tới các đội ngũ các nhà khoa học, các trí thức Ki tô giáo đang cống hiến không mệt mỏi cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì sự thịnh vượng của quốc gia mình và khu vực nói chung. Chỉ có thể tận dụng được mọi nguồn lực cho phát triển khi chúng ta sòng phẳng, khách quan với lịch sử và đó cũng là tinh thần của cuộc Hội thảo chúng ta hôm nay.

Xin trân trọng cảm ơn.

Một vài hình ảnh từ Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo 

Các Học giả chụp ảnh lưu niệm